(TN&MT) - Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân tại Hội thảo “Đầu tư xử lý chất thải nhựa Việt Nam, cơ hội và thách thức” do Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam và Hiệp hội nhựa Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 5/10, tại TP.HCM. Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa và tái chế chất thải nhựa.
Báo động ô nhiễm rác thải nhựa
Ông Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết: Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả nhiều rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, túi ni lông chiếm khối lượng khá lớn trong thành phần chất thải nhựa. Ước tính, mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông, nhưng chỉ khoảng 17% được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Ông Hoàng Đức Vượng, Chi hội nhựa tái sinh (Hiệp hội nhựa Việt Nam) cho biết: Hiện tại, Việt Nam tiêu thụ các sản phẩm nhựa khoảng 41 kg/người/năm; trong khi mức tiêu thụ các sản phẩm nhựa tăng khoảng 15 - 20% mỗi năm thì khối lượng rác thải nhựa thải ra môi trường sẽ ngày càng lớn, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì sẽ gây ra những hậu quả lớn cho môi trường.
Bên cạnh đó, tình trạng nhập khẩu phế liệu nhựa vào Việt Nam thời gian qua chưa được kiểm soát chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đưa ô nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay, tại các cảng đang tồn đọng khoảng 17.000 container phế liệu nhập khẩu thì khoảng 5.000 container là phế liệu nhựa.
Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam, ngành nhựa Việt Nam liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng từ 15% - 20%, năm 2017 đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD; đồng thời dư địa tăng trưởng còn rất lớn cả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, hiện nay 80% nguyên liệu nhựa đang phải nhập khẩu. Một trong những nguyên nhân khiến ngành nhựa phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu là do nền công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam chưa phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, hiện nay, tỷ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp, chủ yếu dựa vào lực lượng thu mua phế liệu và một số cơ sở xử lý chất thải rắn có công đoạn phân loại tách nhựa khỏi chất thải rắn. Cơ sở tái chế nhựa hiện nay chưa phát triển mạnh, bên cạnh một số nhà máy sản xuất quy mô trung bình rải rác ở một vài địa phương, hầu hết các cơ sở đều nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ lạc hậu, chủ yếu tập trung tại các làng nghề nên hiệu quả thấp, giá thành rẻ, chất lượng không cao. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ tái chế nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ lạc hậu nên hoạt động tái chế nhựa thường gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.
Cần phát triển ngành tái chế nhựa
Ông Nguyễn Thế Chinh cho rằng, để giảm thiểu chất thải nhựa, đặc biệt là túi ni lông sử dụng một lần ra môi trường, Việt Nam cần hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý, kiểm soát loại chất thải túi ni lông khó phân hủy; phải có cơ chế chính sách về công cụ thuế để hạn chế sử dụng loại túi ni lông sử dụng một lần, cũng như khuyến khích sản xuất loại túi ni lông thân thiện với môi trường và các sản phẩm thay thế ưu việt khác. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại đối với môi trường của túi ni lông sử dụng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, hình thành thói quen tiêu dùng xanh.
Tiến sỹ Michael Parsons, Tư vấn Chính sách của Bộ TN&MT cho biết: Việt Nam đang thực thi các chính sách nhằm nói không với việc để rác thải nhựa gây ô nhiễm đại dương như hiện nay. Và giải pháp hữu hiệu nhất để giảm chất thải nhựa ra môi trường mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng chính là tái sử dụng, tái chế nhựa. Ngoài ra, việc tái chế nhựa tiêu thụ ít hơn 88% năng lượng so với làm mới.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, tái chế, tái sử dụng chất thải nói chung và tái chế chất thải nhựa nói riêng chính là ưu tiên trong chính sách quản lý môi trường tại Việt Nam. Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Đặc biệt, lĩnh vực tái chế nhựa không chỉ góp phần giảm lượng chất thải nhựa thải ra môi trường mà còn tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm nhựa, nhằm hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Nếu đẩy mạnh tái chế nhựa trong nước, chúng ta có thể đáp ứng được 50% nguyên liệu cho ngành sản xuất nhựa.
Trong thời gian quan, Bộ TN&MT luôn tiếp thu những kiến nghị của Hiệp hội nhựa Việt Nam trong việc đề xuất và hoạch định chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhựa trong sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực tái chế nhựa. Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, các doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải nhựa đều có những cơ hội và những thách thức như nhau. Cơ hội ở đây là những chính sách khuyến khích của Chính phủ, là nhu cầu nguyên liệu của ngành sản xuất nhựa; còn thách thức chính là việc đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường thông qua việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, và việc chấp hành các quy định của pháp luật môi trường.
Trao đổi với các đại biểu tham dự Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã yêu cầu các doanh nghiệp tái chế nhựa phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc sử dụng các chất thải nhựa phát sinh ở trong nước. Ngành TN&MT mong muốn doanh nghiệp tái chế nhựa phát triển bền vững, gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Bởi việc sử dụng nguyên liệu trong nước góp phần còn góp phần đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn.
Đặc biệt, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ hiện nay trong việc nhập khẩu chất thải nhựa từ nước ngoài. Đó là, các doanh nghiệp muốn nhập khẩu chất thải nhựa phải đáp ứng các điều kiện: Trong danh mục được phép nhập khẩu, đáp ứng quy chuẩn Việt Nam, phục vụ trực tiếp cho các ngành sản xuất, đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại. Bộ TN&MT sẽ không cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu nhựa về để tái chế thành hạt nhựa - nguyên liệu, rồi sau đó lại đem xuất khẩu.
Ở lĩnh vực hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế chất thải nhựa, ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam (Bộ TN&MT) cho biết: Quỹ Bảo vệ Môi trường luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế nhựa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất chỉ từ 2,6 - 3,6%/năm, mức cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án…
Theo vpas.vn