Theo dự báo, đến năm 2023, lượng nguyên liệu nhựa chính phẩm cho sản xuất ở Việt Nam cần khoảng 10 triệu tấn. Lượng nhựa phế liệu (NPL) nhập khẩu (NK) phục vụ pha trộn lên tới ba triệu tấn/năm, chưa tính phần NK để sản xuất nhựa tái sinh xuất khẩu (XK). Vì thế, việc cho NK và sử dụng NPL làm nguyên liệu sản xuất là một hướng đi mang tính chiến lược, kèm đó là sự kiểm soát chặt các tiêu chuẩn về ô nhiễm môi trường (ONMT) nước và khí.
Cung không đủ cầu
Ngành nhựa được coi là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao nhất ở nước ta. Trong 10 năm qua, mức tăng trưởng của ngành này luôn đạt khoảng 15 đến 20%, nhưng phải NK tới 80% nguyên liệu. Hiện nay, các nhà máy trong nước sản xuất mỗi năm 780.000 tấn nguyên liệu nhựa; trong đó, Lọc hóa dầu Bình Sơn (150.000 tấn PP), Hóa chất AGC (200.000 tấn PVC), Nhựa và Hóa chất TPC Vina (190.000 tấn)… 5 năm trở lại đây, nhu cầu nguyên liệu nhựa NK của ngành tăng trưởng trung bình 13,5% về lượng và 16% về giá trị. Năm 2017, Việt Nam đã NK 4,9 triệu tấn hạt nhựa, tổng kim ngạch NK hạt nhựa và sản phẩm nhựa lên tới gần 12,7 tỷ USD, kim ngạch XK 2,5 tỷ USD, doanh thu gần 15 tỷ USD.
Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) phân tích, căn cứ nhu cầu về nguyên liệu của toàn ngành nhiều năm qua, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, với tốc độ tăng trưởng lũy kế hằng năm đạt 10%, đến năm 2023, ngành nhựa cần khoảng 10 triệu tấn nhựa phục vụ sản xuất và XK. Theo Quy hoạch tổng thể ngành hóa dầu và các dự án, sản lượng sản xuất hạt nhựa nguyên sinh trong nước dự kiến đạt 2,6 triệu tấn, đáp ứng 26%, số còn lại 7,4 triệu tấn cần phải NK từ nước ngoài. Mặc dù nỗ lực kêu gọi các dự án đầu tư nhà máy sản xuất nguyên liệu, nhưng năng lực hiện tại chưa thể đáp ứng nhu cầu. Vì thế, giải pháp hiệu quả và phù hợp xu thế tiêu dùng sản phẩm hiện nay là bù đắp một phần bằng các loại nguyên liệu nhựa tái sinh (NLNTS).
Ông Hoàng Đức Vượng, Giám đốc Công ty CP Nhựa Vĩnh Thành, Trưởng chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam (VPA), cho hay: Các doanh nghiệp (DN) Thái-lan có sản phẩm gia công cho các tập đoàn đa quốc gia như: Ikea, Unilever, Coca Cola, P&G… đều công bố mục tiêu đến năm 2020 - 2025, toàn bộ sản phẩm nhựa sử dụng làm bao bì đều có ít nhất 50% hàm lượng NLNTS. Vì thế, các DN vẫn duy trì NK NPL làm nguyên liệu sản xuất. Mặt khác, tất cả đồ dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống của con người chiếm tới 70 - 80% là nhựa. Một số nước phát triển, tỷ lệ sử dụng nhựa trong đời sống khoảng 78%, họ sản xuất gạch nhựa, gỗ nhựa, xây nhà bằng nhựa, coi đây là vật liệu không thể thay thế. Còn ở các nước châu Á, tỷ lệ sử dụng nhựa đạt 45%, nước ta chỉ khoảng 25%.
Hướng tới phát triển bền vững
Tận dụng NPL từ NK để tái sinh, đưa vào sản xuất sản phẩm, kéo dài vòng đời của nguyên liệu nhựa để đem lại hiệu quả về mặt kinh tế luôn là mục tiêu hướng đến ở các quốc gia, ngay cả ở các khu vực kinh tế hàng đầu như Mỹ và EU. Giá thành thành phẩm NLNTS sau khi NK để tái chế luôn thấp hơn hạt nhựa nguyên sinh khoảng 30%, thậm chí 40%. Trong cơ cấu giá thành hầu hết các sản phẩm nhựa, chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng 60 - 70%, nếu chi phí nguyên liệu giảm bao nhiêu, giá thành sản phẩm sẽ giảm tương ứng.
Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, DN nhựa Việt Nam chỉ tận dụng được lợi thế về phần trăm mức thuế đối với sản phẩm của các nước không phải thành viên của FTA. Trong hai năm qua, Việt Nam NK và tiêu thụ ồ ạt các sản phẩm nhựa từ Thái-lan và Malaysia, Indonesia. Việc bị động về nguồn nguyên liệu, kéo theo thiếu chủ động về giá nguyên liệu đã là một lực cản lớn, nay lại không có điều kiện sử dụng nguồn NLNTS mà vẫn phải bảo đảm chất lượng sản phẩm để cạnh tranh là “rào cản” hạn chế sự bứt phá của DN nhựa trong nước.
Về lâu dài, khi mất lợi thế cạnh tranh, ngành nhựa sẽ mất thị phần ngay trên “sân nhà”, nhiều thương hiệu nhựa lớn sẽ bị thâu tóm qua các thương vụ M&A như: Bình Minh, Tín Thành, Tân Tiến… Ngành nhựa nước ta lợi nhuận bình quân còn thấp, phụ thuộc thời gian NK nguyên liệu kéo dài khoảng hai tháng, chịu rủi ro lớn về tỷ giá và biến động giá dầu. Nếu các DN Việt Nam chủ động nguồn NLNTS thay thế trong nước, sẽ giảm được giá thành, tăng lợi nhuận và tái đầu tư cho nghiên cứu phát triển các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao. Ngoài các DN đang sản xuất sản phẩm nhựa, còn có các DN trong nước sản xuất xơ sợi polyester, PP cho ngành dệt - may, góp phần vào giá trị XK xơ sợi gần bốn tỷ USD năm 2017.
Vì thế, phát triển nền công nghiệp tái chế tiên tiến cho ngành nhựa trên nền tảng không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế có ý nghĩa cấp thiết. Cơ quan quản lý cần phối hợp VPA nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chuẩn về chất xả thải sau cuối của quá trình tái chế NPL ở hai tiêu chuẩn chính gồm nước và khí. Thông qua phương án khống chế giá điện - mức điện sản xuất được Nhà nước ưu tiên giá, không cho phát sinh hay mở rộng quy mô tái chế tại làng nghề để hạn chế nguy cơ ONMT. Có chính sách khuyến khích và ưu tiên cấp phép cho những đơn vị, dự án sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, để việc chuyển giao công nghệ và bí quyết công nghệ thật sự được chia sẻ và phát triển trong ngành nhựa.
Đồng thời, thành lập Quỹ Tái sinh môi trường do chính các DN hoạt động tái chế phế liệu tham gia, dự kiến sẽ thu được khoảng 500 - 1.000 tỷ đồng/năm, theo cách tính phí 50.000 - 100.000 đồng/tấn theo mức công suất thiết kế nhà máy của DN. Quỹ này sẽ được sử dụng để xử lý nước thải cho làng nghề, tiêu hủy lô hàng phế liệu NK không đạt tiêu chuẩn…
theo nhandan.com.vn